Di tích lịch sử văn hóa Đình Thai Dương – Miếu Âm Linh

Di tích lịch sử văn hóa Đình Thai Dương – Miếu Âm Linh

Thôn An Hải, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh TT Huế

Cách trung tâm thành phố Huế 15km về phía Đông Bắc. Từ cầu Trường Tiền dọc theo đường tỉnh lộ 49 Huế – Thuận An qua hết cầuThuận An khoảng 300m, rẽ phải dọc theo đường làng của thôn An Hải khoảng 250m đến Đình Thai Dương và Miếu Âm Linh.

Cùng với quá trình hình thành làng, hệ thống các công trình kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo như đình, chùa, miếu… cũng lần lượt ra đời, nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống, sinh hoạt văn hóa tâm linh của cư dân khi đến một vùng đất mới là điểm kết nối quá khứ và hiện tại, nơi gửi gắm những mong ước“mưa thuận gió hòa”, “Quốc thái dân an” cầu cuộc sống ấm no hạnh phúc của mỗi người dân. Các công trình này dù lớn hay nhỏ, cũng là thành tựu về di sản văn hóa đặc trưng của cộng đồng cư dân; đồng thời là kết quả sự đóng góp chung của cộng đồng cư dân từ những buổi đầu mới thành lập làng. Đình Thai Dương hạ là một trong số những công trình kiến trúc quan trọng đó.

Qua nghiên cứu khảo sát thực tế tại di tích, cũng như các tài liệu lưu giữ tại làng, thì hiện tại chưa xác định được thời điểm xây dựng đình; nhưng theo truyền thống của cư dân Việt sau khi làng được thành lập ở vùng đất mới, đình  được xây dựng, quy mô và vật liệu xây dựng qua mỗi giai đoạn lịch sử có sự thay đổi khác nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của dân làng. Ban đầu đình được dựng bằng tranh tre, nứa lá đơn giản, sau dần có điều kiện kinh tế thì dân làng đóng góp xây đình khang trang hơn.

Theo lời các cụ cao niên trong ban điều hành của làng kể lại: Đây chính là ngôi đình gốc của làng Thai Dương, đình được dựng lên để thờ các ngài khai canh của làng Thai Dương và lễ hội Cầu Ngư thường được tổ chức tại đây để tỏ lòng nhớ ơn Ngài khai canh của làng là Trương Thiều (Trương Quý Công). Ngài là người sáng lập ra làng và dạy cho dân làng nghề đánh cá và buôn bán ở vùng biển, nên dân làng ở đây làm ăn ngày một khấm khá hơn.

Năm (1904) đã xẩy ra một trận bão lớn mở ra một của biển mới, lãnh thổ làng Thai Dương bị chia cắt làm đôi, việc đi lại của con dân trong làng gặp nhiều khó khăn, nhất là vào các dịp tế lễ để cầu nguyện theo nghi lễ tâm linh của ngư dân vùng ven biển. Để tỏ lòng biết ơn với người có công khai phá ra vùng Thai Dương, người dân khu vực Thuận An (huyện Phú Vang) xin dựng thêm một ngôi đình mới tại Thuận An gọi là đình Thai Dương để thờ vọng các ngài khai canh. Như vậy, đình Thai Dương hạ là ngôi đình chính (đình gốc) của làng Thai Dương, còn đình Thai Dương (Thuận An) là đình thờ vọng, đình này đã được công nhận là di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh, số 4296/QĐ-UBND ngày 21/12/2005.

Trước đây đình được dựng theo kiến trúc nhà rường 3 gian 2 chái với bộ sườn bằng gỗ, mái lợp ngói liệt; trải qua thời gian ngôi đình đã bị hư hỏng và bị nước biển cuốn trôi qua những trận bão lớn. Về sau, đình được xây lại ngay trên nền đất cũ bằng chất liệu bền vững hơn bê tông giả gỗ theo mô-típ kiến trúc triều Nguyễn, mang đặc trưng của một ngôi đình xứ Huế.

Ngày nay, tại đình Thai Dương hạ vẫn luôn luôn tiếp tục phát huy những giá trị văn hoá của địa phương thông qua các lễ hội, ngoài những ngày lễ định kỳ vào “Xuân Thu nhị kỳ” thường niên, cầu cho mưa thuận gió hòa, con dân làm ăn phát đạt. Đặc biệt còn thêm một lễ hội được tổ chức rất trọng thể và uy nghiêm cứ 3 năm một lần đó là lễ hội Cầu Ngư, đây là lễ hội đặc trưng của cư dân vùng sông nước ven biển.

Trả lời