Lễ hội Thanh Trà

Destination Map

Lễ hội Thanh Trà

Nằm bên rìa Tây – Nam thành phố Huế, Thủy Biều được dòng sông Hương thơ mộng ôm trọn vào lòng; phường Thủy Biều ngày nay là sự hợp nhất của hai làng cổ thời xưa. Một làng tên là Nguyệt Biều và một làng tên là Lương Quán. Ca dao: “Nguyệt Biều – Lương Quán bao xa/ Cách nhau cái hói chia ra hai làng”. Theo thư tịch của các dòng họ thì làng Nguyệt Biều hình thành vào khoảng năm 1559, còn làng Lương Quán thì thành lập sau đó. Có thể hiểu nôm na nghĩa của tên phường Thủy Biều như sau: Thủy tức là nước, Biều tức là cái bầu, hay quả bầu. Thủy Biều tức là cái Bầu Nước. Nếu nhìn trên bản đồ ta sẽ thấy được hình ảnh dòng sông Hương bao bọc Thủy Biều như một bầu nước bao quanh một dải đất phù sa.

Vùng đất Thủy Biều vừa nhẹ nhàng với cảnh sắc, ngọt ngào với cây trái, nhưng lại rất tráng lệ với những di tích lịch sử và những ngôi nhà rường cổ kính. Đấu trường Hổ Quyền có dáng hình vành khăn, đã trải qua 183 năm, hiện nay vẫn còn nguyên vẹn với thành trong, thành ngoài, khán đài, cổng vào và bậc đá, khiến du khách có thể hình dung phần nào về những trận đấu sống còn giữa voi và cọp năm xưa. Bên cạnh đó, hệ thống nhà rường cổ hơn 100 năm tuổi với lối kiến trúc theo chữ Đinh, Khẩu hoặc Công vẫn còn nguyên vẹn.

Cùng với những lợi thế về nét nét đẹp thiên nhiên, văn hóa, lịch sử Thủy Biều đã làm mới mình bằng những dự án khu du lịch 5 sao Làng Việt, khu du lịch Vườn Huế… Cùng với đó, các công trình di tích lịch sử cũng đã được trùng tu, sửa chữa, nhiều dịch vụ du lịch được đưa vào khai thác như: du thuyền khám phá sông Hương và các vùng ven sông Hương với nhiều hoạt động như: học nấu ăn món Huế, đạp xe dạo chơi trên đường quê Thủy Biều, ngâm chân trong nước ấm với cây thuốc và massage chân… Thủy Biều dần mang đậm sắc màu của du lịch sinh thái.
Thủy Biều may mắn được vòng tay của bà mẹ sông Hương ôm trọn vào lòng, mỗi tấc đất là nguồn dinh dưỡng và phù sa, sản sinh ra nhiều hoa thơm quả ngọt, song ấn tượng nhất vẫn là thanh trà – chỉ riêng cái tên gọi mỹ miều này thôi đã làm cho bao người háo hức. Đây là một loại quả mà người Huế rất thích ăn bởi nó rất thơm ngon.

Cây thanh trà chẳng ai biết nó sinh ra và lớn lên ở quê hương Thủy Biều từ bao giờ, phải chăng đây là một trong những sản phẩm địa phương từng cung ứng cho đời sống cung đình, hay một giống bưởi quý được di thực từ nơi khác đến, thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng hoặc do kỹ thuật bí truyền mà Lương Quán, Nguyệt Biều cho ra đời một sản phẩm ưu việt đến như vậy? Với nhận xét của những người từng đi nhiều nơi trên đất nước ta, tất cả những giống bưởi nổi tiếng khắp hai miền Nam, Bắc, từ bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), bưởi Diễn – nay thuộc Hà Nội, bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh) đến bưởi Biên Hòa, bưởi Năm Roi, bưởi da xanh của đồng bằng Nam bộ, hiếm giống bưởi nào có thể sánh với trái thanh trà Nguyệt Biều, Lương Quán ở Huế. Đặc điểm của thanh trà Nguyệt Biều là ngọt thanh, độ ráo vừa phải, không có dư vị đắng. Mùa Trung thu, thanh trà Nguyệt Biều chế biến thành món nộm tôm mực dùng khai vị trong các bữa ăn.

Thanh trà vốn thuộc họ bưởi nhưng quả bé hơn, da xanh, vỏ mỏng, múi dày. Đặc biệt, thanh trà khác các giống bưởi ở chỗ, vỏ thanh trà có mùi tinh dầu thơm nhẹ rất đặc trưng, múi thanh trà nhiều nước nhưng không nhão, ăn có vị ngọt mát và hơi the cay như vị của vỏ cam, quýt. Trái thanh trà chín vào mùa thu (bắt đầu từ tháng bảy âm lịch) và cho quả trong vòng hai tháng. Những người Huế sành ăn thường chọn thanh trà Nguyệt Biều, họ cho rằng cái ăn cốt để cho thơm miệng, ngọt lưỡi, mát họng mới đúng tiêu chuẩn thưởng thức của hương vị cây trái, đặc biệt với quả thanh trà Nguyệt Biều hội tụ đủ các yếu tố tuyệt hảo ấy. Nếu ăn thanh trà, mà không thử làm món gỏi thanh trà trộn mực khô thì chưa phải gọi là biết thưởng thức thanh trà, với cách làm đơn giản, chế biến gọn nhẹ nhưng vị ngon thì rất độc đáo khiến người đã ăn, biết ăn muốn được ăn thêm nhiều lần nữa…

Thanh trà đã là một phần quan trọng trong cuộc sống của bà con nông dân, họ đã khấm khá lên nhờ những quả thanh trà mọng nước, tiếng tăm vang xa. Ông Tôn Thất Đào – Chủ tịch UBND Phường Thủy Biều cho biết: “Hiện nay, diện tích trồng thanh trà ở phường Thủy Biều khoảng 147ha, cho thu nhập lên đến 17 tỷ đồng mỗi năm, dân cư ở đây ngày càng khấm khá lên cũng nhờ làm kinh tế từ cây thanh trà vốn đã nổi tiếng từ lâu”.

Leave a Reply