Đình Cổ Lão

Đình Cổ Lão

Xã Hương Toàn, Huyện Hương Trà, Thành phố Huế

Từ trung tâm thành phố Huế, theo quốc lộ 1A hướng Bắc khoảng 8 km, đến trường PTTH Đặng Huy Trứ rẽ phải theo tỉnh lộ 8B khoảng 2 km, rồi rẽ trái dọc theo đường liên thôn khoảng 1,5 km (đi qua làng Liễu Cốc Hạ) là đến di tích. Di tích nằm ở đầu làng Cổ Lão.

Làng Cổ Lão thuộc xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Phía Đông giáp làng La Vân Thượng (xã Quảng Thọ, Quảng Điền); phía Tây giáp làng Xuân Đài; phía Nam giáp làng Liễu Cốc Hạ; phía Bắc giáp làng Dương Sơn.

Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết vào năm 1775, thì làng Cổ Lão thuộc tổng Đồng Lâm, huyện Quảng Điền (1). Theo một số tài liệu như văn tế, gia phả của 5 họ khai khẩn, khai canh để lại, và lời kể của các vị cao niên trong làng thì tổ tiên của làng ra đi từ Bắc vào Nam để lập nghiệp. Trong gia phả của họ Hoàng Tăng (khai khẩn) có ghi “Tổ tiên là những người dân Nam tiến đầu tiên theo chúa Nguyễn Hoàng rời quê hương Thanh Hóa, đi tìm một vùng đất trù phú với mong ước con cháu sum vầy, phát đạt. Ban đầu các Ngài dừng chân ở châu thổ sông Bồ. Do vậy mà các Ngài thủy tổ, Á tổ và các đời kế tiếp đã chọn vùng đất Văn Xá Trung, Liễu Cốc thượng, Long Khê, Lại Bằng làm nơi an nghĩ vĩnh hằng. Các Ngài đã tiếp tục khai phá, mở mang ruộng vườn cùng với các họ khác lập nên làng Cổ Lão ở vùng Trung Giang xứ ven sông Bồ, đời đời tiếp nối, con cháu sum vầy”. Ban đầu các Ngài vào xứ Long Khê (nay thuộc phường Hương Vân, thị xã Hương Trà) lập nghiệp. Tại đây họ đã khai phá được 11 mẫu ruộng đất gọi là “Long vàng”, sau di chuyển về khai phá và lập nghiệp sinh sống ở xứ Tả Khê và Hữu Khê; Tiếp đến là trên các xứ ruộng như: Bịnh Tẩu, Đội Thượng, Đội Trung, Đội Hạ, Cồn Quán, Gia Cối, Cồn Nổi ven sông Bồ gọi là Ba châu thổ. Bên trong xứ Ba châu thổ đó, đất đai được bồi đắp màu mỡ nên cư dân chuyển về đây sinh sống ngày càng đông. Vùng đất này các Ngài thủy tổ của làng gọi là Trung Giang xứ, hiện tại ở đây còn có miếu thờ Thành Hoàng làng.

Làng Cổ Lão gồm 5 họ lớn, một họ khai canh và bốn họ khai khẩn. Hiện nay, các vị tiền khai canh, khai khẩn của 5 họ được thờ tại đình. Qua quá trình xây dựng và phát triển, làng đã có nhiều con dân các họ khác đến sinh sống làm ăn và góp phần xây dựng cuộc sống của làng. Ngày nay, toàn bộ làng Cổ Lão đã có 16 họ; gồm: Phan Văn, Phạm Hữu, Phạm Văn, Hoàng Tăng, Hoàng Văn, Võ Văn, Trương Văn, Đặng Văn, Nguyễn Cửu, Nguyễn Công, Tống Văn, Phan Cảnh, Trần Tộc, Lê Văn, Dương Văn, Ngô Văn.

Cũng như bao làng quê khác trên vùng đất Thừa Thiên Huế, cùng với sự hình thành làng (xã) thì các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng như đình, chùa, miếu, nhà thờ họ… lần lượt ra đời, nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân để thờ Thần thành hoàng, các vị khai canh, khai khẩn, thờ Phật và thờ phụng tổ tiên…

Di tích Kiến trúc Nghệ thuật đình Cổ Lão được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xếp hạng di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 158/QĐ-UBND ngày 20-01-2010.

Leave a Reply