Miếu thờ Nguyễn Hữu Dật

Miếu thờ Nguyễn Hữu Dật

tại Xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngày 17 tháng 3 năm 2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 606/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với Miếu thờ Nguyễn Hữu Dật tại Xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

   Vai trò và những đóng góp của Nguyễn Hữu Dật đối với quá trình mở mang bờ cõi, phát triển xã hội của các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong:

Nguyễn Hữu Dật sinh năm Quý Mùi (1603) là con của Nguyễn Triều Văn, người làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Nguyễn Triều Văn cùng một ông tổ (năm đời) với Nguyễn Hoàng, theo chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá được phong làm Tham Tướng Chưởng Cơ. Từ nhỏ Nguyễn Hữu Dật là một con người thông minh và có tài văn học, năm 16 tuổi (1619) ông được Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên bổ làm Văn chức, sau đó ông làm tham mưu cho cha mình tham dự các trận đánh lớn quân Trịnh ở phía Bắc lập được nhiều công lớn, được thăng chức Đốc Chiến, Chưởng dinh Tiết Chế tước Chiêu Võ Hầu (năm 1655).

Trong đời các chúa Sãi, Chúa Thượng, Chúa Hiền, cùng với Đào Duy Từ và Nguyễn Hữu Tiến, ông là một trong ba nhân vật trụ cột, đã có nhiều đóng góp đáng kể cho công cuộc mở nước, xây dựng bờ cõi, chống lại với các thế lực quân Trịnh ở Đàng Ngoài. Vào các năm 1648, 1660, ông cùng Nguyễn Hữu Tiến đem quân vượt sông Gianh chiếm đất Bố Chính, Nghệ An, Thanh Hoá, xây dựng hệ thống phòng thủ ở luỹ Nhật Lệ, Trường Sa, Đồng Hới (Quảng Bình). Từ năm 1663 cho đến khi qua đời, Nguyễn Hữu Dật được phong làm Chưởng Dinh Tiết Chế Đạo Lưu Đồn, Trấn thủ dinh Bố Chính.

Tháng 3 năm Tân Dậu (1681) Nguyễn Hữu Dật qua đời tại Quảng Bình, thọ 78 tuổi, được chúa Nguyễn Phúc Tần truy tặng: Tán Trị Tĩnh Y Vệ Tả Quân Đô Đốc Phủ Chưởng Phủ Sự Chiêu Quận Công. Sử nhà Nguyễn khen ngợi: “Nguyễn Hữu Dật là người sáng suốt, có tài thao lược, đầu tư cách văn chức được dùng làm giám chiến, danh vọng vốn đã rõ ràng, đến khi làm tướng thì nhiều lần dựng bày mưu lớn, đương thời lấy ỷ làm trọng, từng ví mình với Khổng Minh, Bá Ôn”( ). Sau khi ông mất dân Quảng Bình tiếc nhớ, gọi là Bồ Tát, lập đền thờ ông ở Thạch Xá. Năm Gia Long thứ 5 (1807) được Tòng tự ở Thái Miếu, năm Minh Mạng thứ 12 (1832) được phong Tĩnh Quốc Công. Hai con trai của ông là Nguyễn Hữu Hào và Nguyễn Hữu Cảnh cũng có những đóng góp đáng kể cho các chúa Nguyễn, đặc biệt Nguyễn Hữu Cảnh được phong tước Lễ Thành Hầu, chức Chưởng binh, người có công rất lớn trong công tác bình định, khai hoang lập ấp ở miền Nam.

     Lịch sử hình thành Miếu thờ Nguyễn Hữu Dật

Theo các nguồn tư liệu lịch sử cho biết: Năm 1635 chúa Nguyễn Phúc Nguyên qua đời, ngôi vị được truyền lại cho chúa Nguyễn Phúc Lan. Qua gần 10 năm phát triển, lực lượng đã lớn mạnh gấp nhiều lần so với trước kia. Các tổ chức chính trị, hành chính, quân sự, kinh tế được tăng cường đầy đủ nhiều hơn. Đến lúc này, Phước Yên trở thành “đất đai chật hẹp”, không đủ chỗ cho các cơ quan, dinh trại tọa lạc nữa, chúa Nguyễn Phúc Lan quyết định và đến tháng Chạp năm Ất Hợi (1636) thì dời vào phủ Kim Long, “là nơi núi sông đẹp tốt”.

Từ đó phủ Phước Yên tồn tại với nhiệm vụ của một hành cung như các dinh khác, thỉnh thoảng các chúa ghé nghỉ ngơi mỗi khi đi kinh lý vùng phía Bắc…tháng 4 năm Giáp Thân (1644), chúa Nguyễn Phúc Lan sai “dựng miếu Hi Tông (thờ chúa Nguyễn Phúc Nguyên) ở dinh cũ Phước Yên” và cho người phụ trách coi giữ miếu thờ này, đó là Huân liệt công thần cai đội Duyệt Đức Hầu Hoàng Văn Duyệt.

Khoảng năm 1681, khi Nguyễn Hữu Dật qua đời, chúa Nguyễn Phúc Nguyên được đưa về thờ ở phủ Kim Long, thì nơi này sử dụng để thờ Nguyễn Hữu Dật – người có công lao giúp các chúa Nguyễn giữ yên bờ cõi ở phía Bắc, ổn định tình hình chính trị và phát triển ở vùng đất mới. Đồng thời bằng cách đó chúa Nguyễn Phúc Lan muốn để cho hậu thế biết được nơi đây là “đất thiêng” đã một thời là thủ phủ Đàng Trong. Nhân dân Phước Yên thờ tự, chăm sóc cho đến ngày nay.

Trải qua thời gian, chiến tranh và sự tàn phá của khí hậu miền Trung, Miếu đã bị tàn phá và xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2000, nhân dân địa phương đã đóng góp kinh phí để trùng tu và sửa chữa lại ngôi miếu. Trong lần xây dựng này, ngôi miếu được mở rộng thêm phần Tiền Đường ra phía trước, còn phần Nội Điện vẫn được giữ nguyên trên nền móng của ngôi miếu.

Khảo tả di tích

Miếu thờ Nguyễn Hữu Dật nằm ở vị trí trung tâm khu vực Phủ Phước Yên, mặt quay về hướng Tây Nam, cách sông Bồ (Bến Ngự Hà) khoảng 160m, miếu ẩn dưới tán cây cổ thụ, tọa lạc trên thửa đất có ký hiệu T , xung quanh là ruộng lúa, hoa màu của dân làng Phước Yên, gồm: Bình phong; Sân và Miếu thờ (Tiền đường và hậu điện).

Trong đó: Bình phong cao 1,4m, dài 2,5m, được xây đặc theo kiểu cuốn thư, phía trước đắp chữ Thọ, bằng chất liệu xi măng bột màu, phía sau đặt một đỉnh ximăng để thắp nhang và đốt vàng mã trong những lần lễ, kỵ. Giữa bình phong và miếu là khoảng sân hẹp được đúc bằng xi măng, có chiều dài 6m, chiều rộng 6m (diện tích 36m2). So với các công trình kiến trúc dân gian thờ tự ở Thừa Thiên Huế, thì miếu thờ Nguyễn Hữu Dật có quy mô không lớn và cách thờ tự cũng đơn giản, phía trước là phần Tiền Đường nhỏ, hình chữ nhật, diện tích 11,25m2 (4,5m x 2,5m), để trống, phần mái đổ bê tông cốt thép, hai đầu hồi được gắn hình tượng “Long hồi” ở giữa là “Mặt nguyệt”. Tất cả được ghép bằng chất liệu sành sứ, màu sắc hài hoà đã làm cho phần mái nổi hẳn lên. Đây là kiểu kiến trúc theo đề tài “Lưỡng long chầu nguyệt” ở các công trình kiến trúc dân gian xứ Huế mà chúng ta thường gặp. Phần dưới của nhà tiền đường được thiết kế đơn giản, ở giữa là hai cột trụ đặt trên hai chân đá tảng hình quả bí tròn bằng bê tông, hai bên là bức tường vách, nối liền với mái và hậu điện, phía trước tường vách là hai câu đối chữ Hán viết bằng màu, nội dung ca ngợi cảnh sông núi hữu tình, ơn đức của các chúa Nguyễn cũng như niềm vui thái bình của vùng đất Phước Yên.

     Miếu thờ Nguyễn Hữu Dật – di tích quí hiếm về thời kỳ các chúa Nguyễn trên đất Thừa Thiên Huế

Những công lao đóng góp của Chiêu Võ hầu Nguyễn Hữu Dật gắn liền với quá trình phát triển lớn mạnh, mở mang bờ cõi, xây dựng và củng cố lực lượng của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, đặt cơ sở cho bước đầu xây dựng và phát triển của vùng đất Thuận Hoá – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế sau này. Vậy nên, việc tồn tại miếu thờ Nguyễn Hữu Dật không những thể hiện tình cảm, quí trọng của nhân dân địa phương đối với người có nhiều đóng góp to lớn đối với vùng đất trù phú này, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam mà đó còn là sự đánh dấu vai trò quan trọng trong việc phát triển thế và lực của các chúa Nguyễn.

Việc nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích miếu thờ Nguyễn Hữu Dật là một việc làm có ý nghĩa, giá trị nhân văn to lớn, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trong vùng, đồng thời phục vụ tốt công tác giáo dục truyền thống cho các thế hệ, nghiên cứu học tập của các đối tượng. Là cơ sở pháp lý để bảo tồn, gìn giữ và phát huy một cách tốt nhất, đầy đủ nhất những di tích quí hiếm về thời kỳ các chúa Nguyễn trên đất Thừa Thiên Huế.

Trả lời