Lăng mộ và nhà thờ Nguyễn Lộ Trạch

Lăng mộ và nhà thờ Nguyễn Lộ Trạch

Độn Cát phía Tây làng Kế Môn, xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế

1.Vài nét về dòng tộc Nguyễn Lộ Trạch

Theo gia phả họ Nguyễn Thanh (họ của Nguyễn Lộ Trạch) chúng ta biết được tổ tiên của ông là người Hoan Ái (vùng Thanh Hóa, Nghệ An) theo chúa Nguyễn Hoàng vào lập cư ở làng Kế Môn khoảng từ năm 1471. Họ Nguyễn Thanh truyền đến Nguyễn Lộ Trạch là 12 đời. Cha của Nguyễn Lộ Trạch là Nguyễn Thanh Oai (tên lúc nhỏ là Nguyễn Thanh Thái) sinh năm 1876. Năm 24 tuổi ông Nguyễn Thanh Oai thi đậu cử nhân kỳ thi hương năm Canh Tý thời vua Minh Mạng (1840). Năm 27 tuổi thi hội đậu Tiến sĩ năm Quý Mão thời vua Thiệu Trị (1843). Ông Nguyễn Thanh Oai từng giữ chức quyền Thượng Thư Bộ hình rồi sau làm Tổng Đốc Ninh – Thái (Bắc Ninh – Thái Nguyên) kiêm sung chức Thị Sư đồng suất Ninh – Thái – Lạng – Bằng quân vụ (Bắc Ninh – Thái Nguyên – Lạng Sơn – Cao Bằng). Nguyễn Lộ Trạch là Trưởng nam, con của bà thứ nhất Phan Thị Hài (1818 – 1867)

2. Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Lộ Trạch (1853 – 1898)

Nguyễn Lộ Trạch tự là Hà Nhân, hiệu là Kỳ Am. Ông sinh ngày 15/2/1853 tại Cam Lộ, Quảng Trị. Quê ở làng Kế Môn, xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nguyễn Lộ Trạch từ nhỏ đã có tiếng thông minh tài giỏi, tính khí khảng khái, học nhiều biết rộng nhưng ông không đi theo con đường của ông cha đã vạch sẵn: học ra để làm quan, được công danh trọng vọng, được giàu sang phú quý mà ông chuyên tâm dành thời gian cho việc nghiên cứu nền văn hóa mới của nhân loại. Với kiến thức uyên bác, mới mẻ với tầm nhìn thời đại sâu sắc, ông đã là một nhà tri thức vượt trội trong giới nho sĩ đương thời, kể cả những nho sĩ quan lại có xu hướng canh tân trong triều đình nhà Nguyễn.

Sinh ra và lớn lên dưới thời vua Tự Đức (1848 – 1883) trong lúc nội tình đất nước đã quá rối ren, đầy rẫy tư tưởng bảo thủ, giáo điều, Nguyễn Lộ Trạch luôn ôm ấp hoài bão muốn tiến hành cải cách đất nước về mọi mặt để cứu vãn nguy cơ mất nước. Tư tưởng yêu nước, tiến bộ đó của ông được thể hiện qua nhiều tác phẩm mà nổi tiếng nhất là: Thời vụ sách thượng, thời vụ sách hạ, thiên hạ đại thế luận.

Nghiên cứu các tác phẩm của Nguyễn Lộ Trạch, chúng ta lấy làm ngạc nhiên và khâm phục một trí tuệ thông thái, một tầm hiểu biết sâu rộng về thế giới đương thời trong một hoàn cảnh thông tin bên ngoài bị bưng bít, đe dọa, chế độ chính trị ở trong nước bảo thủ, trì trệ, cố chấp đang chế ngự toàn xã hội.

Chúng ta vô cùng tự hào và cảm động về một nhân cách cao cả, một tinh thần dũng cảm đấu tranh của Nguyễn Lộ Trạch. Trước bạo lực cường quyền mà ông vẫn dám đứng lên phê phán nhà vua, chỉ ra những khuyết tật của chế độ, lột mặt vạch trần đám quan lại thối nát, cầu an, bám danh…ông đã đề ra những giải pháp cứu nguy cho đất nước.

Song sự nghiệp canh tân của Nguyễn Lộ Trạch đã bị dở dang, bóng tối và sự ngu muội đã bao vây ông, sự lạc hậu và phản tiến hóa của nền học thuật nho giáo đã quật ngã ông, nhưng tư tưởng của ông đã trở thành sức sống cho các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX vẫn còn mang nhiều ý nghĩa vào kinh nghiệm lịch sử trong thực tiễn đổi mới của đất nước ta hiện nay.

 

Trả lời