Địa điểm làm lồng chim

Địa điểm làm lồng chim

Làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế)

Chỉ với những thanh gỗ và miếng tre nhỏ nhắn… những người thợ đã tạo nên những hoạ tiết tinh xảo để có những chiếc lồng độc đáo, chinh phục giới chơi chim cảnh.

Lồng chim ở Huế vốn nổi tiếng từ lâu, thu hút giới chơi chim cả nước, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang… Người chơi chim cảnh ở Huế cũng ngày càng quan tâm đến mỗi chiếc lồng, với giá từ 100 ngàn đồng lên hàng chục triệu đồng cho mỗi chiếc. Tất nhiên, những chiếc lồng có giá ngất ngưỡng cũng hy hữu.

Lồng rẻ tiền có giá vài trăm ngàn đồng dành cho những người mới tập tễnh tìm hiểu về chim cảnh. Khi đã sẵn sàng bỏ ra vài triệu đồng trở lên để mua một chú chim yêu thích, người chơi chim cảnh lại muốn có chiếc lồng tương xứng với nó để sáng sáng đến các tụ điểm vừa nhâm nhi cà phê, vừa “đấu giọng”, vừa thể hiện sự sành điệu qua chiếc lồng. Lồng chim thường được làm phổ biến bằng hai chất liệu là gỗ và tre. Tuy nguyên liệu không nhiều, nhưng đòi hỏi phải tốt. Nếu là gỗ, thường phải chọn các loại gỗ trắc, mun, thuỷ tùng…; còn chọn tre để làm lồng phải là loại tre già, có lóng dài…

Tại một cơ sở làm lồng chim trên đường Lý Thường Kiệt, trong kiốt chỉ 10m2 có 3 người thợ là những thanh niên dưới 30 tuổi, Hoàng – một trong số họ tâm sự: “Công việc có nhiều đến đâu thì buổi sáng chúng tôi mỗi đứa cũng phải xách một lồng chim đến quán cà phê khoe tài và tham khảo những chiếc lồng khác; sau đó lại trở về với công việc để làm ra những sản phẩm ngày một tinh xảo hơn”.

Ngồi quan sát những người thợ làm việc mới thấy quá nhiều điều thú vị từ những chiếc lồng. Thợ làm lồng chim hầu hết xuất phát là những người thích chơi chim cảnh, đam mê khám phá lồng chim. Giữa ngổn ngang những tre, gỗ, máy móc, các loại dầu, keo và bụi bặm, họ miệt mài với những động tác nhẹ nhàng, nâng niu từng thanh gỗ, vành tre. Những thanh gỗ mảnh bé bằng nửa chiếc thước học sinh được chạm rồng, phụng hay hoa leo… Tre làm lồng cần phơi, sấy mất vài tháng trước khi chẻ, chuốt; nếu làm lồng quả chạm lại mất thêm hàng tháng để uốn khung và đai, đế… Hiện, loại tre để làm lồng chim phải mua từ Hồng Hạ (A Lưới) hay Thượng Long, Thượng Quảng (Nam Đông). Chạm trổ trên lồng chim công phu hơn nhiều so với chạm các vật dụng khác. Riêng việc đưa những họa tiết nhỏ, như: mai, lan, cúc, trúc, dây leo… vào thanh gỗ nhỏ đã vất vả. Vậy nhưng, trên những thanh tre được vót thành bản rộng từ 5 đến 7 cm, dài từ 30 đến 35cm thì thường phải chạm những chủ đề lớn hơn, như: bát tiên, bát nhi quanh tứ linh, chữ vạn, chữ chi… Còn trên đế những chiếc lồng quả chạm có khi khách hàng yêu cầu, người thợ phải thể hiện lên đó cả một câu chuyện cổ tích, như: Thạch Sanh; Nàng tiên cá; Tam quốc chí… Tùy theo sự tinh xảo của người thợ chạm để đặt giá cho mỗi chiếc lồng. Khung lồng càng thanh, họa tiết trên khung càng tinh xảo thì giá càng cao. Thế nhưng, khi khách hàng hỏi đặt một chiếc lồng trơn lại là bài toán khác cho người thợ. Lồng trơn không cần chạm trổ, lọng nhưng đòi hỏi khi chọn nguyên liệu không được để có lỗi, từ đường vân đến các khâu vót, chuốt, sơn… đều phải chuẩn, chỉ cần một lỗi nhỏ cũng dễ nhận thấy. Toàn bộ nguyên liệu để làm lồng chim được những người thợ ở Huế xử lý tự nhiên, không dùng hoá chất. Chính sự công phu này mà lồng chim ở Huế ăn đứt nơi khác.

Ông Tôn Thất Nho, năm nay 51 tuổi, sống trong một con hẻm nhỏ trên đường Bạch Đằng, người có kinh nghiệm 30 năm làm lồng chim cho biết: “Làm nghề này phải khéo tay, hơn hết là phải đam mê. Những chiếc lồng đắt tiền thì tiền công thu được không nhiều như công sức người thợ bỏ ra, nhưng phần thưởng lớn nhất là chúng tôi làm ra được những sản phẩm đẹp.”. Như một số cơ sở làm lồng khác trên TP Huế, tại nhà ông Nho chỉ có nguyên liệu hoặc vài thành phẩm của từng công đoạn chứ không có chiếc lồng hoàn chỉnh nào. Ông Nho cười trước thắc mắc của chúng tôi: “Suốt chừng ấy năm làm nghề, tôi ít khi có hàng mẫu, hàng của tôi được người chơi chim cảnh giới thiệu cho nhau tại các quán cà phê chim hay các câu lạc bộ rồi họ lại truyền miệng đến giới chơi chim cảnh khắp nơi. Làm xong cái nào khách hàng lấy ngay chứ không để trưng bày”. Thông qua giới chơi chim cảnh, chúng tôi biết được ông Nho nhận làm nhiều chiếc lồng giá lên đến hàng chục triệu đồng; họ cũng công nhận, người làm lồng chim nếu nhận làm hàng chợ thì “dễ ăn” hơn.

Thị hiếu của khách hàng cũng thường xuyên thay đổi, hiện nay, loại lồng không sơn đang thịnh, vì vậy việc tìm nguyên liệu càng khó khăn, tuy nguyên liệu cho một chiếc lồng không nhiều, nhưng gỗ, tre phải chuẩn thì theo thời gian, không cần sơn, các loại chất liệu làm lồng sẽ “lên nước”, chiếc lồng càng để lâu càng đẹp. Với những gì tìm hiểu được, chúng tôi nhận thấy những người thợ làm lồng chim có tay nghề cao xứng đáng được xem là nghệ nhân.

Trả lời